Thiết kế Type 97 Chi-Ha

Phiên bản đầu

Chi-Ha Kiểu 97 có khối lượng 15 tấn được trang bị động cơ diesel 12 xy-lanh làm mát bằng không khí, công suất 170 mã lực (127 kW) ở phía sau thân xe và truyền động thông qua trục chong chóng đến hộp số đầu xe; hộp số có bốn số tiến và một số lùi.[4]

Toàn bộ thân xe của Kiểu 97 đều lắp ráp hoàn toàn bằng phương pháp tán đinh. Lớp giáp bảo vệ mỏng theo ý định của Lục quân Nhật để giảm giá thành và giữ khối lượng nhẹ. Chỗ giáp dày nhất là giáp nòng pháo dày 33 mm và hai bên tháp pháo dày 26 mm. Giáp thân dày 20 mm và nơi mỏng nhất là lớp giáp bên dưới thân chỉ có 12 mm.[2] Mặc dù theo tiêu chuẩn xe tăng thập niên 1930, lớp giáp bảo vệ này không được xem là mỏng nhưng khi chiến tranh lan rộng vào năm 1941, nó trở thành điểm yếu lớn.[2] Hậu quả là xe tăng Kiểu 97 dễ dàng bị tiêu diệt không chỉ bởi xe tăng đối phương mà còn bởi pháo chống tăng 37 mm, bazooka, lựu đạn chống tăng và trong một số trường hợp, bộ binh Mỹ còn có thể sử dụng cả súng máy M2 Browning để xuyên thủng lớp giáp dưới của Chi-Ha ở cự li gần.[5] Bên trong khoang chiến đấu được phủ các tấm đệm amiăng được cho là để mục đích cách nhiệt.[6]

Hỏa lực của Chi-Ha bao gồm pháo chính 57 mm, có thể nâng lên và hạ xuống dao động từ 11 độ đến -90 độ; một khẩu súng máy Kiểu 97 7,7 mm phía sau tháp pháo và một khẩu súng máy Kiểu 97 7,7 mm khác bên trái đầu thân xe. Chi-Ha có thể mang theo tổng cộng 120 quả đạn pháo 57 mm (80 đạn trái phá và 40 đạn xuyên thép) và cơ số đạn của hai khẩu súng máy là 2.350 viên.[4] Tháp pháo có thể quay 360 độ cả trái lẫn phải.[7] Pháo chính 57 mm được sử dụng cho mục đích yểm trợ bộ binh tấn công hơn là cho việc đấu tăng do vận tốc đạn thấp.[8] Một số xe tăng Kiểu 97 còn được gắn thêm thiết bị tạo khói.[9]

Tổ lái của Kiểu 97 có bốn người, bao gồm trưởng xe, xạ thủ tháp pháo, tài xế và xạ thủ súng máy ở thân xe. Tài xế ngồi ở bên phải đẩu thân xe, lái xe theo sự hướng dẫn của trưởng xe. Bên trái là xạ thủ súng máy, kiêm luôn nhiệm vụ thợ cơ khí. Tháp pháo dành cho trưởng xe và xạ thủ tháp pháo, trưởng xe làm nhiệm vụ kiểm soát hoạt động và liên lạc với những xe tăng khác bằng tín hiệu, cờ hoặc vô tuyến.[10]

Hệ thống truyền động của Chi-Ha Kiểu 97 kế thừa từ Ha-Go Kiểu 95 nhưng có đến sáu bánh xe cao su thay vì bốn, với răng bánh xích ở phía trước và bánh đệm ở phía sau. Xe có ba bánh đỡ xích. Mỗi cặp bánh chịu tải ở giữa được gắn một đòn khuỷa gia cố bởi lò xo áp lực bằng thép và hai giá chuyển hướng cũng được gắn vào thân xe theo cách thức tương tự bằng đòn khuỷa.[4]

Phiên bản cải tiến (Shinhoto Chi-Ha)

Xe tăng Kiểu 97 Shinhoto Chi-Ha tại Bảo tàng Quân nhu Quân đội Hoa Kỳ ở Aberdeen, Maryland

Chi-Ha Kiểu 97 với pháo chính 57 mm đã thể hiện rõ điểm yếu trong cuộc đối đầu với Hồng quân Liên Xô tại Nặc Môn Khâm, khi mà pháo tăng 45 mm của xe tăng Liên Xô BT-7 và xe bọc thép Ba-10 đã làm thiệt hại nặng các xe tăng Nhật.[11] Do đó, pháo tăng Kiểu 1 47 mm đã được ra đời với thiết kế đối trọng với pháo tăng 45 mm của Liên Xô[12], với vận tốc đạn nhanh hơn pháo tăng 57 mm nên sức xuyên thép cũng được gia tăng.[4]

Những chiếc Chi-Ha Kiểu 97 được trang bị pháo tăng mới này được đổi tên thành Kiểu 97-Kai (nâng cấp) Shinhoto Chi-Ha (Chi-Ha với tháp pháo mới). Việc sản xuất Chi-Ha nâng cấp bắt đầu từ năm 1942.[12] Việc lắp đặt khẩu pháo mới dẫn đến phải thiết kế lại hình dạng tháp pháo, tuy nhiên các đặc điểm quan trọng khác vẫn được giữ nguyên, trong đó có lớp giáp bảo vệ.[8]

Pháo tăng Kiểu 1 47 mm được trang bị đạn trái phá và đạn trái phá xuyên thép có khả năng chống tăng tốt hơn pháo 57 mm, nhưng bù lại có nhược điểm là đạn trái phá 47mm không có sức công phá bằng đạn trái phá 57 mm (chỉ bằng 1/3) dẫn dến kém hiệu quả khi đối đầu các mục tiêu không phải xe tăng.[13] Shinhoto Chi-Ha có thể mang theo 104 đạn pháo 47 mm, bao gồm 38 viên đạn trái phá và 66 viên đạn trái phá xuyên thép.[14] Một điểm mới nữa của Kiểu 97-kai là tổ lái được tăng thêm một người, làm nhiệm vụ nạp đạn và đứng phía sau pháo thủ tháp pháo.[15]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Type 97 Chi-Ha http://www.lonesentry.com/articles/jp_type97_tank/... http://www.onwar.com/tanks/japan/ft97chiha.htm http://www.tanksinworldwar2.com/japan.aspx http://www.wwiivehicles.com/japan/tanks-medium/typ... http://www.military.cz/panzer/tanks/japan/chiha_ka... http://www3.plala.or.jp/takihome http://www.historyofwar.org/articles/weapons_type9... http://www.historyofwar.org/articles/weapons_type_... http://books.google.com.vn/books?id=CM2g2Zl1H_QC&p... http://books.google.com.vn/books?id=MuGsf0psjvcC&p...